Tháng Chín này nhớ Bác …

119

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)… mà còn là người đặt nền tảng cho việc xây dựng nền pháp luật Việt Nam.

Hàng năm, cứ đến ngày Quốc khánh 2/9, nghe lại Bản Tuyên ngôn độc lập, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ; người lãnh tụ cách mạng, nhà văn hóa đại tài và là người đặt các nền móng quan trong cho nền pháp luật dân chủ Việt Nam.

Ngay từ những năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1919, với bản “ Yêu sách của nhân dân An Nam” gởi tới Hội nghị Vécxây, Bác đã nêu ra 8 điểm và năm 1922, Người chuyển thể các nội dung của bản Yêu sách này thành bài “ Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó toát lên tinh thần pháp luật của bản Hiến pháp:

“ Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

Theo Bác, “thần linh” được Bác nói ở đây không phải là một sức mạnh siêu nhân nào đó, mà là sức mạnh của nền dân chủ của Nhà nước pháp quyền…

Cách mạng Tháng Tám thành công, để kịp thời quản lý đất nước trong hoàn cảnh khó khăn lúc đó, một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời – ngày 3/9/1945 – trong phiên họp đầu tiên chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị bầu ngay Quốc hội càng sớm, càng tốt, rồi nhanh chóng chỉ đạo ban hành Hiến pháp dân chủ đầu tiên.

Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thông qua ngày 9/11/1946 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá I với 240/242 đại biểu tán thành. Hiến pháp năm 1946 dù ngắn gọn, súc tích, chỉ có 3.385 từ, 70 điều, 7 chương nhưng chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc, cốt lõi là giá trị dân chủ. Từng điều trong bản Hiến pháp đều nhất quán một quan điểm, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân, xây dựng một chính thể dân chủ rộng rãi, một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Đó vừa là mục đích của cuộc Cách mạng giành độc lập, đó cũng là mục tiêu phải hướng tới khi chính thể dân chủ cộng hòa đã được lập nên.       Vậy là, sau gần 3 thập kỷ kể từ Bản yêu sách của dân An Nam (năm 1919) gửi hội nghị Véc xây đến năm l946, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện.
Hiến pháp năm 1946 theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật uy tín, là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém một bản Hiến pháp nào trên thế giới với những giá trị có ý nghĩa muôn đời.

 

Bác đã đặt nền móng cho sự ra đời của một nền lập pháp xã hội chủ nghĩa, nền lập pháp của một dân tộc vừa thoát ra khỏi hàng trăm năm bị thực dân đô hộ, qua đó thắp lên niềm tin và ánh sáng vào công lý cho toàn nhân dân, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc, giới tính. Tiếp đó đến Hiến pháp năm 1959 do Người đứng đầu Ủy ban soạn thảo, cũng không chỉ thể hiện qua 16 luật và 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác do Người ký lệnh công bố hoặc ban hành. Tư tưởng lập pháp và thực thi pháp luật của Người được thể hiện xuyên suốt với mong muốn xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhà nước mà lấy“thượng tôn pháp luật”, lấy “Thần linh pháp quyền”làm kim chỉ nam cho mọi hành động.

Những giá trị cốt lõi tốt đẹp của bản Hiến pháp năm 1946 đã được kế thừa và phát huy trong bốn bản Hiến pháp sau này là Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Bốn bản Hiến pháp là bốn nấc thang về việc ghi nhận và phát triển các quyền cũng như cơ chế bảo vệ các quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.

Bác Hồ phát biểu tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 1

Suốt đời vì nước vì dân, ngay trước lúc đi xa vào tháng Chín, Bác để lại bản Di chúc với những lời dặn dò về việc làm sao để phát huy dân chủ từ trong Đảng đến nhân dân; về việc thực thi pháp luật, về chăm lo cho thanh thiếu niên và nhất là chăm lo đời sống cho nhân dân lao động…

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng năm 1960

Tháng Chín này nhớ Bác, mỗi người chúng ta học theo tinh thần thượng tôn pháp luật của Bác, học cách gần dân, trọng dân, học về tính nhân văn sâu sắc một đời lo cho nước cho dân

Bác Hồ với nông dân

Bác Hồ với thiếu nhi

Và nhớ về câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

Bác để tình thương cho chúng con

                           Một đời thanh bạch chẳng vàng son

                           Mong manh áo vải hồn muôn trượng

                           Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…

Tp Hồ Chí Minh tháng Chín 2023

Chi hội Luật gia